Cô gái Tày bỏ việc lương cao ở nước ngoài về khởi nghiệp du lịch ở vùng quê nghèo
Có công việc ổn định, lương cao ở nước ngoài, nhưng Thúy Diện vẫn chọn khởi nghiệp ở quê hương. Chỉ với căn nhà sàn của gia đình ở vùng quê nghèo hẻo lánh, chị đã triển khai dự án du lịch khá thành công.
Hà Thúy Diện sinh năm 1985 trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên, ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Bố mẹ chị là người dân tộc Tày, Hà Giang, nhưng chuyển vào sinh sống tại Tây Nguyên từ lâu. Ngôi nhà sàn của gia đình được phục dựng như nguyên bản của đồng bào dân tộc Tày ở Tây Bắc, đây cũng là nơi chị Diện chọn để khởi nghiệp.
Chị hiện là chủ của Sàn Homestay (Đức Trọng, Lâm Đồng), một địa điểm kết hợp homestay và du lịch trải nghiệm. Sàn Homestay đang được các bạn trẻ trong cộng đồng du lịch Việt Nam yêu thích, đây cũng là điểm đến của khá nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, vì nằm tại địa điểm bắt đầu cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam (Tà Năng-Phan Dũng), nên Sàn Homestay hiện cũng là địa điểm được nhiều người check-in mỗi khi đến với Tà Năng.
Tuổi trẻ và giấc mơ đi ra thế giới
Trong khoảng thời gian sinh viên, vì có xuất phát điểm thấp hơn so với các bạn cùng lớp, tại ĐH Ngoại thương TP.HCM, Diện đã cố gắng tìm mọi cách để học tiếng Anh.
Qua quá trình tham gia các hoạt động cùng các bạn người nước ngoài, Diện tự đặt ý nghĩ: "Tại sao các bạn ấy bằng tuổi với mình mà giỏi như thế? Ở nước ngoài có gì khiến họ phát triển như vậy?".
Lần đầu tiên xuất ngoại của Diện là đi Campuchia, nhưng không giống như tưởng tượng của cô về nước ngoài. Tiếp sau đó, Diện tiếp tục tham gia các buổi hội thảo tại các nước khác như: Indonesia, Singapore,... Nhận thấy sự phát triển của những nước này, cô càng thêm nung nấu ý định được làm việc tại nước ngoài.
Năm 2008, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Diện được nhận vào một công ty lớn của Philippines. Bước đầu đi ra thế giới của cô là khoảng thời gian dài sống và làm việc tại Philippines và sau đó là một số quốc gia khác.
Trở về Việt Nam và quá trình khởi nghiệp
Sau khoảng thời gian dài làm việc tại nhiều nước, với hoài bão “đi để hiểu nước ngoài là như thế nào", khi cảm thấy đã hiểu về cách làm việc và văn hóa của các nước phát triển, Diện chọn con đường trở về.
Diện làm việc tại TP.HCM và Vũng Tàu. Đây là nơi có cách sống, làm việc ít nhiều có những nét tương đồng với môi trường làm việc của cô ở nước ngoài.
Nhưng công việc văn phòng nhàm chán, với tính cách một người thích khám phá và tìm hiểu những nền văn hóa khác trên thế giới, Diện quyết định nghỉ việc. Sau đó, cô quyết định đi du lịch các nước trong khu vực châu Á để khám phá và tìm hiểu thêm về các nền văn hóa mới.
Khi được hỏi về lý do trở về Việt Nam để bắt đầu dự án khởi nghiệp, Thúy Diện chia sẻ: "Với tâm niệm từ thời sinh viên, mình rất muốn trở về giúp đỡ quê hương. Ban đầu mình định trở về Hà Giang, nhưng qua quá trình đi qua các nước, mình nhận ra là giúp đỡ ở đâu cũng được. Thế nên mình quyết định trở về Đức Trọng để khởi nghiệp".
Làm du lịch ở vùng quê hoang vắng
Năm 2016, Thúy Diện bắt đầu xây dựng cho mình một dự án du lịch. Địa điểm được chọn là ngôi nhà sàn của gia đình cô tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Vì lợi thế sẵn có từ nét đẹp văn hóa của người Tày và địa điểm khá thuận lợi, sau khoảng thời gian ngắn, dự án của cô đã nhận được những tín hiệu tích cực.
Diện chia sẻ: "Ban đầu, mình định tìm một địa chỉ ở Đà Lạt để làm homestay. Nhưng qua nhiều lần dẫn bạn bè cả Việt Nam và người nước ngoài lên chơi nhà, mình nhận thấy mọi người thích thú với mô hình ở nhà của gia đình mình. Thế là mình chọn nhà để làm luôn, vì với mình thì ở đâu cũng có tiềm năng hết. Nếu mình thích, thì mọi người cũng sẽ thích thôi".
Dự án du lịch gần gũi với thiên nhiên và văn hóa
Dự án của Diện đầu chỉ là căn nhà sàn của gia đình được cải tạo lại để làm homestay. Sau một khoảng thời gian đi vào hoạt động và ổn định, Diện đã bắt đầu phát triển các bước tiếp theo. Mô hình sống và sinh hoạt gần gũi với người dân tộc và trải nghiệm các hoạt động đời sống bình thường của người dân khu vực Đa Quyn, Đức Trọng đã đi vào hoạt động.
Ngoài ra, với khu vực địa hình của Tây Nguyên, Diện đã sớm nhận ra lợi thế từ việc du lịch trải nghiệm, từ đó các tour leo núi ngắn ngày được cô đưa vào hoạt động.
Đến thời điểm hiện tại, dự án của Diện đã được rất nhiều bạn trẻ biết đến. Cái tên gọi Sàn Homestay cũng đã được có điểm nhấn trên bản đồ du lịch. Ngoài ra, với việc có lợi thế về ngoại ngữ và thời gian làm việc tại nước ngoài, đi du lịch, Diện đã biết tận dụng Internet để phát triển quảng bá và đưa ra thế giới. Đã có rất nhiều bạn du khách nước ngoài, khi đến Việt Nam đã tìm đến địa điểm của Diện và rất hào hứng với mô hình du lịch nơi này.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, Diện nói: "Điều mình muốn chia sẻ là việc tại sao Sàn vẫn có khách dù là vùng sâu xa? Cơ bản thì đó là sự khác biệt, và cách phục vụ khách hàng. Mình muốn người khác phục vụ mình sao thì mình phục vụ khách như vậy. Để khách có cảm giác như ở nhà".
Với sự mạnh dạn dấn thân vào khởi nghiệp và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức dài ở nước ngoài, Diện đã có được những sự thành công nhất định trong việc phát triển du lịch ở quê nhà. Đây cũng là định hướng cho những ai đang muốn khởi nghiệp, đặc biệt là trong ngành du lịch như cô.
Nhận xét
Đăng nhận xét