Đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc
Ngày 21.8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc về nội dung tổ chức hội nghị quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm, nhân dịp bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc.
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL. Về phía Ban Chỉ đạo Tây Bắc có ông Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai…
Không còn nỗ lực đơn độc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Tây Bắc Hầu A Lềnh khẳng định, các tỉnh Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và trong thời gian qua, du lịch vùng Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khâu liên kết quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính chất vùng, thoát khỏi sự riêng lẻ của từng tỉnh còn nhiều hạn chế. Trước đây, đã có nhiều hội nghị, diễn đàn bàn về vấn đề này song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
“Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì nhằm thúc đẩy sự liên kết, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc. Đây cũng là kỳ vọng của các tỉnh trong khu vực, mong muốn có sự liên kết chặt chẽ, cùng tương hỗ và phát triển. Mong rằng Bộ VHTTDL sẽ ủng hộ, đồng hành cùng với Ban Chỉ đạo và các tỉnh Tây Bắc để hội nghị được tổ chức thành công, góp phần thúc đẩy liên kết vùng thông qua phát triển các sản phẩm du lịch mới, có sức thu hút ngày càng cao đối với du khách trong và ngoài nước…”, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Hội nghị quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc năm 2017 nhằm thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tây Bắc về triển khai thực hiện Nghị quyết 08 trên địa bàn vùng Tây Bắc. Hội nghị dự kiến sẽ đánh giá thực trạng việc quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch của vùng Tây Bắc thời gian qua, chỉ ra những kết quả, khó khăn, tồn tại; đề ra giải pháp và cơ chế chính sách, nguồn lực thúc đẩy hoạt động quảng bá phát triển du lịch theo hướng liên kết phát triển du lịch trong vùng, giữa vùng Tây Bắc với cả nước và quốc tế.
“Mục đích quan trọng được Hội nghị hướng đến là xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch mới đặc sắc của vùng Tây Bắc, kết nối được tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm sẵn có của các tỉnh trong vùng để hình thành các sản phẩm du lịch có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và hội nhập quốc tế sâu rộng…”, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh cho biết.
Đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh du lịch của các tỉnh khu vực Tây Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Hội nghị với nội dung rất cụ thể là bàn trực tiếp việc phát triển các sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lấy kinh nghiệm từ mô hình liên kết, hình thành các tour du lịch của khu vực các tỉnh miền Trung như Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, cho đến nay, những sản phẩm du lịch vùng có thương hiệu như “Con đường di sản miền Trung” đang trở thành viên nam châm có sức hút lý tưởng trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch của những địa phương này. “Hãy học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình có trước, tập trung vào những mục tiêu cụ thể chứ không phải là hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung chung …”, Bộ trưởng trao đổi.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ, đặc trưng du lịch Tây Bắc mang đến cơ hội phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng như: du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, du lịch Tây Bắc nhiều năm qua vẫn còn hạn chế. Mặc dù sản phẩm du lịch vùng đã định hình nhiều tuyến thú vị, song chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến chưa mạnh, một số điểm đến chưa có đường giao thông thuận lợi, khó thu hút khách cũng như tạo thành cung đường kết nối với những điểm đến khác. Cơ chế phối hợp giữa các địa phương chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả… Theo Phó Tổng cục trưởng, tại hội nghị, các địa phương cần tận dụng để giới thiệu các thế mạnh của mình cũng như phát huy sức mạnh từ việc liên kết. Trước mắt, Tây Bắc nên tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông để có thể kết nối các điểm du lịch với nhau.
“Cần chú ý không tạo sự trùng lặp trong quá trình liên kết, phát triển sản phẩm du lịch vùng. Đơn cử, dân tộc Thái có nhiều nét văn hóa đặc sắc nhưng nếu cùng một tuyến du lịch, đi đâu cũng đưa khách vào các bản làng người Thái thì sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Sản phẩm du lịch liên kết vùng vì thế phải có sự giao thoa và không trộn lẫn…”, bà Hương lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Hội nghị quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc cần xác định tên gọi, nội hàm và các vấn đề cụ thể. Phải tính toán sao cho trên một cung đường du lịch vùng, khách đến điểm A sẽ muốn đến các điểm B, C… Tức là phải thưởng thức “đủ món” trên “mâm” đặc sản của vùng chứ không phải chỉ một món rồi về. Con đường mà các tỉnh Tây Bắc cùng nhau thiết lập cũng cần tạo cảm giác hứng thú trọn vẹn để du khách có cảm hứng chinh phục.
“Như vậy sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch liên kết vùng thực sự có hiệu quả. Bắt tay cùng nhau, các địa phương sẽ thoát khỏi cảnh phải nỗ lực một cách đơn độc.…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của chuyên gia, doanh nghiệp du lịch
Ông Hầu A Lềnh cho biết thêm, Tây Bắc có thế mạnh để hình thành những tuyến du lịch hấp dẫn như du lịch dọc sông Đà, du lịch dọc sông Lô, du lịch dọc sông Hồng. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp du lịch đôi khi gặp phải vướng mắc do cơ chế quản lý khác nhau của mỗi địa phương đối với các điểm đến trên cùng một hành trình, dẫn đến thiếu sự liên kết. Hội nghị tới đây sẽ chú ý tới việc tháo gỡ nút rối này, đề ra giải pháp và trách nhiệm của các địa phương trong liên kết với nhau như thế nào.
“Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương đều mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch, chắc chắn sẽ rất cởi mở đối với các mô hình thúc đẩy phát triển. Tại Hội nghị lần này, ngoài việc trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tour, tuyến của từng địa phương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần xây dựng dự kiến một vài sản phẩm chung có tính liên kết vùng để xin ý kiến của đại biểu tham dự. Cần mời nhiều chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành… tham gia vì đây là những đối tượng có kinh nghiệm thực tế, sẽ góp phần tháo gỡ những lúng túng lâu nay…”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, tại hội nghị, các địa phương tham dự phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những sản phẩm du lịch đặc trưng để trên cơ sở đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các hãng lữ hành sẽ lựa chọn phương án phù hợp, có tính thực tiễn. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Hội nghị là phải giải đáp những thắc mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch đặt ra.
“Cơ chế chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với Tây Bắc là vấn đề quan trọng mà Hội nghị cần chú ý. Bên cạnh đó, cần chú trọng chất lượng các điểm đến, đặc biệt trong sự kết nối, liên thông với nhau. Mỗi tỉnh sẽ chọn giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của một dân tộc có số dân đông trên địa bàn, tránh trùng lặp và dàn trải. Hệ thống đường giao thông kết nối các điểm đến cũng cần được chú trọng đầu tư. Nếu các điểm đến hấp dẫn mà giao thông khó khăn thì cũng không hiệu quả…”, Bộ trưởng lưu ý.
Nhận xét
Đăng nhận xét